CEO Giao Hàng Siêu Việt và hành trình khởi nghiệp trong “đại dương đỏ”
(cafef.vn) Ở tuổi 30, Hà Văn Thắng chọn bỏ công việc với mức thu nhập đáng mơ ước với nhiều thanh niên để khởi nghiệp xây dựng chuỗi mạng lưới bưu cục chuyển phát nhượng quyền.
Gần 3h sáng, trong tiết thu 2020, anh Thắng vẫn ngồi tần ngần bên màn hình laptop. Email phản ánh những khó khăn trong quá trình triển khai kinh doanh bưu cục nhượng quyền tới CEO của đơn vị chủ quản vẫn chưa được gửi đi. Anh Thắng không nhớ nổi đó là email thứ bao nhiêu, nhưng anh chắc chắn email này rồi cũng sẽ nhanh chóng bị bỏ qua như những lần trước đó. Anh gập máy tính mà không gửi, quyết định tìm con đường khác cho riêng mình thay vì cố thay đổi hướng đi của người khác.
Bản lĩnh của người khai phá
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Điện tự động vào năm 2013, anh Thắng có con đường sự nghiệp "trải đầy hoa hồng" so với nhiều người. Anh trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau trong công ty thức ăn chăn nuôi VIETPRO – một đơn vị có tiếng trong ngành, nhưng thú vị là không vị trí nào liên quan đến chuyên ngành học. Năm 2019, anh được trao cơ hội phụ trách triển khai chuyển đổi số cho công ty và được tiếp cận một lĩnh vực hoàn toàn mới là xây dựng hệ thống phần mềm.
Cũng trong giai đoạn đó, mô hình nhượng quyền bưu cục bắt đầu du nhập về Việt Nam - Thay vì tự đầu tư hệ thống vận chuyển riêng, họ chỉ cần trả chi phí nhượng quyền, khai thác đơn hàng và sử dụng hạ tầng có sẵn của đơn vị nhượng quyền để vận chuyển đơn hàng đi toàn quốc.
Nhìn thấy sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử, anh Thắng nhanh chóng quyết định tham gia chia phần "miếng bánh" giao nhận đầy béo bở. Nếu như đa phần những người nhận nhượng quyền bưu cục khác chọn đầu tư nhỏ, vừa làm vừa thử thị trường trong giai đoạn đầu; anh Thắng chi đến 300 triệu đồng để đầu tư mở bưu cục, thuê mặt bằng và 12 shipper phủ sóng khắp 12 đơn vị hành chính tại Hải Dương – quê nhà anh.
"Lúc đó, mình phát triển song song, vừa giữ công việc tại công ty vừa điều hành đại lý nhượng quyền, bởi chưa đủ ý chí để vượt ra khỏi "vùng an toàn". Huống hồ, mức thu nhập trên 40 triệu đồng/tháng lúc ấy, mình nghĩ có thể là mơ ước của nhiều thanh niên mới ra trường", anh kể lại.
Với kinh nghiệm đang làm trợ lý phòng kinh doanh cộng với mức độ chịu đầu tư, chỉ trong 6 tháng đi vào hoạt động, bưu cục của anh đã vươn lên nằm trong top 10 bưu cục có sản lượng đơn lớn nhất cả nước. Bản thân anh được mời vào ban cố vấn phát triển của đơn vị nhượng quyền. Nhưng nghịch lý là, mặc dù có sản lượng đơn đứng top đầu toàn quốc nhưng sau 1 năm, anh vẫn chưa có lãi.
Với tài chính đã tích lũy từ những năm làm việc trước đó, anh Thắng cho biết, sẵn sàng chịu lỗ ngắn hạn để đổi lấy cơ hội dài hạn. Nhưng anh sớm nhận ra, mô hình mình nhận nhượng quyền hiện tại có quá nhiều bất cập cả về kế hoạch, định hướng cũng như nền tảng công nghệ; nổi bật giá vốn của mỗi đơn hàng do đơn vị nhượng quyền triển khai xuống cho các bưu cục hợp tác là khá cao. Thậm chí còn cao hơn cả giá chào đến khách hàng của nhiều đơn vị đã có tầm ảnh hưởng trong ngành. Đi cùng với phân khúc giá cao sẽ phải đảm bảo một chất lượng tốt, nhưng với nguồn lực của một đơn vị nhượng quyền mới còn hạn chế nên việc duy trì một chất lượng tương xứng là chưa thể. Ngoài ra các đại lý còn gánh thêm chi phí giao hàng – không mang lại lợi nhuận. Không biết bao nhiêu lần anh gửi những đề xuất, góp ý lên công ty để điều chỉnh mô hình nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng.
Anh thử tìm hiểu mô hình nhượng quyền của đơn vị giao nhận khác, nhưng cũng dễ dàng nhận ra điểm hạn chế của từng mô hình. Với mạng lưới 10.599 đơn vị hành chính cấp xã - bao gồm cả những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo – không có đơn vị chuyển phát nào có thể tự nhận là tối ưu dịch vụ một cách toàn diện trên cả nước. Đơn vị mạnh ở khu vực này lại yếu ở khu vực khác, hoặc đơn vị chuyên vận chuyển tốt mặt hàng này thì kém ở mặt hàng khác. Nếu nhận chuyển nhượng từ một doanh nghiệp chuyển phát, các đại lý sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng vận chuyển của đơn vị đó. Nhiều khi biết rõ khu vực nào đó đang quá tải nhưng cũng không có lựa chọn nào khác.
Thấu hiểu nỗi đau (pain point) của thị trường cộng với kiến thức về công nghệ có được trong quá trình phụ trách chuyển đổi số, anh Thắng quyết định "chơi lớn" một phen, dừng tất cả công việc hiện tại để tìm lối đi riêng – một nền tảng chuyển phát tối ưu những vấn đề từng khiến anh trăn trở.
Đủ nắng, hoa sẽ nở
Quyết định của anh Thắng đương nhiên vấp phải sự phản đối từ phía gia đình và người thân, khi một người trẻ như anh lại từ chối mức thu nhập cao cùng tương lai thăng tiến rộng mở. Trong khi lần khởi nghiệp trước đó kết thúc không mấy suôn sẻ.
Khi được hỏi lúc ấy có sợ thất bại, chàng trai 9x cười nói: "Mình còn trẻ mà, vừa là sự nghiệp, vừa là đam mê mình nghĩ đáng để thử một lần".
Nhưng khi bắt tay vào xây dựng mô hình cho riêng mình, anh Thắng mới nhận ra thị trường chuyển phát lúc này đã là một "đại dương đỏ" - tức mức cạnh tranh rất cao. Trong đó có nhiều ông lớn quốc tế. Nếu chọn đầu tư hệ thống giao nhận riêng biệt, anh biết sẽ không đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với rất nhiều công ty với vốn và tiềm lực mạnh ngoài kia. Thay vì đối đầu, anh chọn chiến lược "đứng trên vai người khổng lồ", tạo dựng nền tảng có thể liên kết các đơn vị chuyển phát lớn để tạo ra mạng lưới chuyển phát chung, đa lựa chọn.
Cuối năm 2020, nền tảng Giao Hàng Siêu Việt ra đời, trên ý tưởng đó. Khi tiếp nhận một đơn hàng, ứng dụng sẽ tự động phân tích dựa trên các chỉ số như kích thước, cân nặng, điểm giao, điểm nhận, mức độ ưu tiên… để đề xuất sử dụng một hạ tầng vận chuyển đảm bảo chất lượng và tiết kiệm chi phí nhất. Nhờ đó, Giao Hàng Siêu Việt lấy điểm mạnh của đơn vị chuyển phát này bù đắp cho điểm yếu của đơn vị khác.
Hạ tầng chuyển phát chung giúp tối ưu chất lượng dịch vụ vận chuyển.
"Giao Hàng Siêu Việt không được tạo ra để làm lại những gì các đơn vị vận chuyển khác đã làm tốt. Chúng tôi sinh ra để làm những gì mà các đơn vị vận chuyển khác còn thiếu, còn chưa hợp lý với nhu cầu thực tế", CEO & Founder Giao Hàng Siêu Việt nhấn mạnh.
Hà Văn Thắng – CEO & Founder Giao Hàng Siêu Việt.
Thời điểm đó lại trùng khớp với giai đoạn dịch bệnh bùng phát cao điểm, nhiều bưu cục nhượng quyền lao đao vì tỷ lệ hoàn trả hàng rất cao, do đơn vị vận chuyển bị quá tải hoặc thiếu tài xế. Với việc tối ưu mạng lưới chuyển phát của nhiều đơn vị, Giao Hàng Siêu Việt vẫn đảm bảo được năng lực giao nhận. Nhiều bưu cục thấy vậy, đặt vấn đề hợp tác nhượng quyền, mở ra bước ngoặt mới cho Giao Hàng Siêu Việt.
"Vừa nghe anh Thắng chia sẻ về mô hình là tôi đã thấy mô hình này rất hay, khắc phục được rất nhiều điểm hạn chế của các mô hình nhượng quyền khác trên thị trường hiện nay", anh Nguyễn Văn Quân – chủ một bưu cục Giao Hàng Siêu Việt tại Hưng Yên chia sẻ.
Bằng cách "hữu xạ tự nhiên hương" như vậy, đến tháng 11/2021, hệ thống Giao Hàng Siêu Việt đã có 66 đối tác nhượng quyền. Ứng dụng Giao Hàng Siêu Việt cũng được xây dựng ngày càng hoàn thiện và bổ sung nhiều tính năng hỗ trợ tối đa cho bưu cục và khách hàng như mở rộng mạng lưới vận chuyển liên kết từ 3 đơn vị lúc đầu lên 7 đơn vị; bổ sung tính năng ứng tiền COD có khả năng tính toán số tiền ứng trước, số tiền cần truy hoàn – truy thu một cách hoàn toàn tự động dựa trên tình trạng đơn hàng; cho phép bưu cục kiểm soát hành trình hàng hóa và nhận thông báo ngay khi phát sinh sự cố từ đó duy trì một chất lượng giao hàng tuyệt vời giúp khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ.
Bằng cách giải quyết đúng những điểm nghẽn của thị trường, Giao Hàng Siêu Việt ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ trong 6 tháng kể từ tháng 12/2021, công ty đã có thêm 102 đối tác, nâng tổng số đối tác trên toàn hệ thống lên 168, phục vụ hơn 2.000 khách hàng và hàng triệu đơn hàng.
Mục tiêu của đơn vị trong năm 2022 là phát triển mạng lưới 300 đối tác nhượng quyền khắp cả nước và phục vụ khoảng 2 triệu đơn hàng/tháng.
"Đến thời điểm hiện tại, 64% đối tác của Giao Hàng Siêu Việt vẫn đến từ sự lan tỏa giới thiệu của các đối tác cũ, chứ không phụ thuộc nhiều vào chi phí quảng cáo hay marketing. Điều này đủ chứng minh mô hình thật sự có hiệu quả, mang lại lợi nhuận tốt cho các đối tác hợp tác", anh Thắng đúc kết.
Theo Nhịp sống kinh tế